Tin tức
MÔ HÌNH GIÁO DỤC PHẦN LAN SO VỚI MÔ HÌNH MONTESSORI – PHẦN 1
- 09/06/2021
- Đăng bởi: Hà Nguyễn
- Mục: Giáo dục

Là một bậc cha mẹ, việc lựa chọn hình thức giáo dục mầm non phù hợp cho trẻ có thể được coi là thách thức.
Có rất nhiều mô hình giáo dục mầm non đa dạng được ra đời tiếp nối nhau, chẳng hạn như Montessori, Waldorf, và Reggio Emilia. HEI Schools, một mô hình giáo dục Phần Lan cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục mầm non chất lượng cao cho thế giới, cung cấp một phương pháp giáo dục mới hơn thay thế cho các phương pháp lâu đời hơn, đồng thời cũng mang tới những điểm khác biệt với những phương pháp giáo dục khác ở một số điểm quan trọng. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ so sánh mô hình Montessori với mô hình HEI Schools, chú trọng vào việc phát triển tính cách riêng ở từng trẻ.
Montessori, ra đời tại Rome vào đầu những năm 1900 bởi bác sĩ Maria Montessori, là một mô hình giáo dục cải tiến, được thành lập và công nhận rộng rãi. Phương pháp Montessori bắt đầu như một phương pháp bổ trợ, và cũng trải qua một thời gian không được coi trọng sau những thành công bước đầu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phương pháp này là một trong những lựa chọn cho các bậc cha mẹ ở nhiều quốc gia.
Phong cách giáo dục mầm non Phần Lan, nền tảng của HEI Schools, được chính phủ Phần Lan thành lập lần đầu tiên vào năm 1888 nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc con nhỏ cho các bậc phụ huynh phải đi làm. Kể từ đó, Phần Lan đã thử nghiệm và điều chỉnh mô hình này để phù hợp nhất với chính nhu cầu của trẻ. Nhờ những thành công đã có từ lâu, phương pháp giáo dục mầm non Phần Lan hiện đã trở thành một phương pháp mà các nhà giáo dục trên toàn thế giới đều mong muốn được sử dụng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, HEI Schools đã được thành lập vào năm 2015 nhằm tạo ra một mô hình có thể cung cấp tất cả những lợi thế của nền giáo dục mầm non theo phong cách Phần Lan đồng thời tiếp thu văn hóa bản địa của đất nước áp dụng và đáp ứng cả những yêu cầu về giáo dục ở nơi đây.
Thông qua loạt bài này, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến một bức tranh rõ ràng về cách những hệ tư tưởng này hình thành trong lớp học và điều nào có thể phù hợp nhất với trẻ. Loạt bài này sẽ bao gồm các chủ đề:
- Lịch sử
- Triết lý chung: Phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trọng tâm
- Môi trường học tập và học liệu
- Sinh hoạt hàng ngày ở trường
- Tiêu chuẩn hóa
- Phát triển
LỊCH SỬ
Kỷ niệm hơn một thế kỷ của phương pháp giáo dục Montessori

Mô hình Montessori được phát triển vào đầu những năm 1900 tại Rome bởi Maria Montessori, một bác sĩ người Ý, người muốn tạo ra một phương pháp học tập lấy trẻ làm trọng tâm. Để đạt được mục tiêu này, bà đã thiết kế các lớp học có cấu trúc cụ thể hay còn gọi là ‘môi trường đã được chuẩn bị sẵn’ và tạo ra các tài liệu học tập nhằm thúc đẩy việc học tập của trẻ trong các lĩnh vực học thuật khác nhau, ví dụ như toán học, văn học, khoa học, địa lý và lịch sử. Phương pháp của bà dựa trên triết lý “tuân theo đứa trẻ”. Nói cách khác, trẻ được chọn những gì mình muốn học. Vai trò của giáo viên chủ yếu là hướng dẫn trẻ dựa theo sở thích của trẻ và hướng dẫn trẻ cách sử dụng các học liệu khác nhau.
Mô hình Montessori ban đầu thành công rực rỡ tại Mỹ, nhưng sau đó phải hứng chịu hàng loạt công kích chỉ trích của các học giả nổi tiếng. Do đó, phương pháp này không còn được ưa chuộng ở Mỹ, đồng thời cũng trải qua nhiều thời kỳ phát triển và suy yếu ở các vùng khác trên thế giới.
Vào những năm 1950, một phụ nữ Mỹ tên là Nancy Rambusch đã dẫn đầu và quảng bá phương pháp này như một phong trào xã hội ở Mỹ. Tuy nhiên, sự khác biệt về tư tưởng giữa bà và Mario, con trai của Tiến sĩ Montessori, dẫn đến việc tồn tại hai học viện riêng biệt tại Mỹ. Rambusch có một cách tiếp cận mở hơn để thực hiện phương pháp sư phạm này, trong khi Mario tập trung duy trì sự ‘thuần túy’ của phương pháp do mẹ ông phát triển. Kể từ đó, cả hai mô hình Montessori đã phát triển ở Mỹ và khắp các nơi khác trên thế giới như một phương pháp thay thế cho các phương pháp học truyền thống.
HEI SCHOOLS ĐƯỢC XÂY DỰNG DỰA TRÊN NGUỒN CẢM HỨNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC PHẦN LAN
Trường mẫu giáo công lập đầu tiên của Phần Lan được thành lập vào năm 1888 nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ đang đi làm một hệ thống chăm sóc trẻ từ độ tuổi mẫu giáo. Ban đầu đây được xếp là quyền lợi xã hội, nhưng ngày càng được coi là quyền cơ bản đối với tất cả trẻ em. Vào những năm 1990 tại Phần Lan, trường mầm non trở nên phổ biến rộng rãi cho trẻ, và vào năm 2015, trẻ 6 tuổi bắt buộc phải học một năm mầm non trước khi bắt đầu đi học tiểu học. Mô hình trường mầm non Phần Lan hiện là một trong những hệ thống được đón chào nhất trên thế giới. Mô hình này được quốc tế ngưỡng mộ vì chú trọng đến sức khỏe của trẻ, đồng thời, phương pháp giảng dạy cho trẻ dựa trên việc học tập thông qua các trò chơi, khám phá, cộng tác, tương tác và tự tạo động lực cho bản thân.
Trường Quốc tế Helsinki, hay HEI Schools, được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu rõ ràng là tạo ra một mô hình trường mẫu giáo Phần Lan có thể được nhân rộng bao gồm chương trình giảng dạy được nghiên cứu kỹ lưỡng, giáo viên được đào tạo kỹ lưỡng và không gian học tập được thiết kế chu đáo cho trẻ. Mục tiêu này được phát triển cẩn trọng để điều chỉnh tất cả các khía cạnh của mô hình HEI Schools sao cho phù hợp với nền văn hóa và yêu cầu giáo dục của mọi quốc gia. Vì vậy, các nhà giáo dục quốc tế hiện có cơ hội thành lập các trường mẫu giáo theo kiểu Phần Lan tại quốc gia của họ theo một khuôn mẫu đã được xác định rõ ràng và có sự hỗ trợ thành lập.
Phương pháp sư phạm của HEI Schools dựa trên Chương trình giảng dạy cốt lõi của Quốc gia đã được Cơ quan Giáo dục Phần Lan phê duyệt. Chương trình giảng dạy truyền thống là một chuỗi thông tin được tiêu chuẩn hóa hoặc “kiến thức cần tiếp thu”. Đối với chúng tôi, chương trình này xác định sự kết hợp của các nguyên tắc, thái độ và cách tổ chức môi trường học tập để trẻ học hỏi từ chính cuộc sống xung quanh trong khi đang là một phần của cộng đồng. Các khía cạnh khác trong mô hình của chúng tôi, chẳng hạn như không gian học tập và thiết kế, cũng được lấy cảm hứng từ bầu không khí và thiên nhiên Bắc Âu. Tuy nhiên, không giống như các khái niệm trường mầm non quốc tế khác, chúng tôi không du nhập các giá trị và văn hóa của mình vào các quốc gia khác. Thay vào đó, chúng tôi thích ứng với các phong tục và yêu cầu của địa phương phù hợp nhất với nhu cầu của những trẻ em và giáo viên tại đó.
Dịch bởi Nordic Kivi. Nguồn bài gốc: https://www.heischools.com/news/child-education-models-part-1